Đồ chơi trẻ em là mặt hàng phổ biến và được lưu thông trên thị trường rất nhiều. Một số đồ chơi trẻ em được sản xuất trong nước và một số được nhập khẩu về. Vậy thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ được thực hiện như thế nào? Các chính sách liên quan đến nhập khẩu đồ chơi trẻ em ra sao? Tìm hiểu quy trình và thủ tục nhập khẩu hàng đồ chơi trẻ em cùng với Bí mật nghề Xuất Nhập Khẩu nhé!

Chính sách cho mặt hàng đồ chơi nhập khẩu

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu là mặt hàng thuộc quản lý chuyên Ngành Văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do đó, các chính sách nhập khẩu đồ chơi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định và ban hành. 

Căn cứ Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL và Văn bản hợp nhất số 4225/VBHN-BVHTTDL, đồ chơi trẻ em khi nhập khẩu cần đảm bảo các điều kiện sau:

  • Đảm bảo hàng mới 100% và chưa qua sử dụng.
  • Đảm bảo chất lượng hàng hóa phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em theo quy định tại Thông tư 09/2019/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.
  • Mặt hàng đồ chơi có nội dung, hình thức, kiểu dáng, tính năng sử dụng không ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục, không gây nguy hiểm hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em.
  • Đồ chơi trẻ em trước khi nhập khẩu cần phải đăng ký kiểm tra chất lượng tại cơ quan kiểm tra. Trong đó, các quy định về chất lượng hàng hóa nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại Thông tư QĐ 2711/QĐ-BKHCN và 07/2017/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Mã HS mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu

Theo quy định hiện hành, đồ chơi không thuộc danh mục cấm nhập khẩu nên các cá nhân, doanh nghiệp có thể nhập khẩu mặt hàng này về nước. Tuy nhiên, trước khi nhập khẩu cần xác định mã HS của loại đồ chơi cần nhập khẩu để xác định biểu thuế. 

Căn cứ theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP của Chính Phủ quy định chi tiết về danh mục đồ chơi trẻ em nhập khẩu được phân nhóm như sau:

  • Là hàng hóa thuộc Chương 95: Đồ chơi, thiết bị trò chơi và dụng cụ, thiết bị thể thao; các bộ phận và phụ kiện của chúng.
  • Có HS code chung là 9503: Các loại đồ chơi đố trí (puzzles); Xe đẩy, xe đạp ba bánh, xe có bàn đạp và đồ chơi tương tự có bánh; búp bê; mẫu đồ chơi thu nhỏ theo tỷ lệ; các loại đồ chơi đố trí (puzzles).

Cụ thể, trong nhóm mã HS 9503 chia thành nhiều mã HS nhỏ để chỉ chi tiết tên gọi của từng nhóm đồ chơi, cụ thể như sau:

Mã HS

Mô tả hàng hóa

95030010

Xe đẩy, xe đạp ba bánh, xe có bàn đạp và các loại đồ chơi tương tự có bánh; xe búp bê

95030021

Búp bê

95030022

Quần áo và phụ kiện quần áo

95030029

Loại khác

95030030

Xe điện, bao gồm cả đường ray, đèn hiệu và các phụ kiện của chúng

95030040

Mô hình thu nhỏ theo tỷ lệ và mô hình giải trí tương tự

95030050

Đồ chơi và bộ đồ chơi xây dựng bằng mọi loại vật liệu trừ plastic

95030060

Đồ chơi hình con vật hoặc sinh vật 

95030070

Đồ chơi đố trí (puzzles)

95030091

Bộ đồ chơi đếm; Bộ xếp chữ; Bộ đồ chơi tạo chữ và tập nói; Đồ chơi xếp khối hoặc cắt rời hình chữ số, chữ cái hoặc hình con vật; Bộ đồ chơi in hình; Bộ đồ chơi đếm; 

95030092

Dây nhảy

95030093

Hòn bi

95030094

Các đồ chơi khác, bằng cao su

95030099

Loại khác


Biểu thuế mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu

Với hàng hóa đồ chơi khi nhập khẩu về Việt Nam cần phải nộp thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT). Cụ thể như sau:

  • Thuế VAT: 10%;
  • Thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của đồ chơi trẻ em từ 10% – 20% phụ thuộc vào loại hàng nhập khẩu có mã HS như thế nào.

Trường hợp cá nhân, doanh nghiệp nhập khẩu đồ chơi từ các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đưa ra thì có thể nhận được ưu đãi về thuế nhập khẩu.

Nếu doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng đồ chơi với số lượng lớn, hình thức nhập khẩu chính ngạch là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo pháp lý đầy đủ và tính minh bạch cho hàng hóa nhập khẩu. Xem chi tiết về quy trình các bước làm thủ tục nhập khẩu chính ngạch.

Thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em

Căn cứ theo chính sách quy định cho mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu, khi làm thủ tục hải quan, ngoài các thủ tục hàng hóa thông thường cần tiến hành đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa.

Hồ sơ hải quan

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính, hồ sơ hải quan làm thủ tục nhập khẩu gồm các loại giấy tờ, chứng từ sau:

  • Hóa đơn thương mại (Sale Contract)
  • Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing list)
  • Vận đơn (Bill of Lading)
  • Giấy chứng nhận xuất xứ
  • Kết quả kiểm tra chất lượng
  • Nhãn sản phẩm đồ chơi trẻ em

Quy định về nhãn mác 

Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu cần có đầy đủ nhãn mác theo quy định hiện hành và nhãn mác bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:

  • Tên hàng hóa
  • Tên và địa chỉ của tổ chức chịu trách nhiệm về hàng hóa
  • Xuất xứ hàng hóa
  • Thành phần
  • Thông số kỹ thuật
  • Thông tin cảnh báo
  • Hướng dẫn sử dụng
  • Năm sản xuất

Ngoài ra trên nhãn của đồ chơi trẻ em phải thể hiện đầy đủ các cảnh báo và hướng dẫn sử dụng cho đồ chơi.

Quy trình làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em

Quy trình làm thủ tục nhập khẩu và thông quan mặt hàng đồ chơi trẻ em như sau:

  • Bước 1: Mở tờ khai Hải quan

Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan và tiến hành mở tờ khai hải quan trên phần mềm khai Hải quan. Các thông tin trong tờ khai Hải quan sẽ dựa trên các giấy tờ, chứng từ đã chuẩn bị. 

  • Bước 2: Đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hoá

Đồ chơi trẻ em là hàng hóa thuộc sự quản lý của Bộ Khoa học Công nghệ, trước khi nhập khẩu cần kiểm tra chất lượng hàng hóa nhằm đảm bảo mặt hàng nhập khẩu đáp ứng các tiêu chuẩn văn hoá.


Để đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa, bạn cần tạo tài khoản trên Cổng thông tin một cửa Quốc gia và tiến hành khai báo thông tin để đăng ký. Sau khi nhận kết quả trả về, bạn tiếp tục thực hiện thủ tục nhập khẩu tại Chi cục Hải quan.

  • Bước 3: Làm thủ tục hải quan

Bạn mang bộ hồ sơ nhập khẩu đã chuẩn bị đến Chi cục Hải quan. Tại đây, cán bộ Hải quan tiếp nhận hồ sơ, tiến hành kiểm tra. Nếu hồ sơ đáp ứng và không có gì vướng mắc thì tờ khai của bạn sẽ được thông qua. 

Lúc này, doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế nhập khẩu và thuế VAT cho lô hàng.

  • Bước 4: Chuyển hàng về kho lưu trữ

Khi tờ khai đã được thông quan, bạn mang hàng hoá về kho lưu trữ và làm việc với cơ quan chuyên trách để tiến hành kiểm tra chất lượng lô hàng đồ chơi trẻ em. Sau khi có kết quả hợp chuẩn hợp quy sẽ cập nhật thông tin lên Cổng thông tin một cửa Quốc gia và hoàn tất hồ sơ thủ tục nhập khẩu.

Các câu hỏi thường gặp khi làm thủ tục nhập khẩu đồ chơi trẻ em

Mã HS của các mặt hàng đồ chơi trẻ em có giống nhau không?

Mặt hàng đồ chơi trẻ em nhập khẩu được bao gồm nhiều loại khác nhau. Vậy nên việc xác định chi tiết mã HS của một mặt hàng cụ thể cần phải căn cứ vào tính chất, thành phần cấu tạo,… của hàng hóa cần nhập khẩu. Theo các quy định hiện hành, cần căn cứ vào catalogue, tài liệu kỹ thuật (nếu có) hoặc đi giám định tại Cục Kiểm định hải quan để áp mã HS cho hàng hóa. Kết quả kiểm tra thực tế của Cục Kiểm định hải quan xác định là cơ sở để áp mã đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu cần đóng những loại thuế nào?

Khi nhập khẩu đồ chơi trẻ em về Việt Nam, nhà nhập khẩu cần nộp 2 loại thuế đó là: thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (thuế VAT). Trong thuế nhập khẩu lại được phân loại thành 2 nhóm đó là: thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế ưu đãi đặc biệt (loại thuế có xuất xứ theo Hiệp định thương mại).

Thuế VAT áp dụng cho đồ chơi trẻ em nhập khẩu là 10%. Còn thuế nhập khẩu thực tế sẽ khác nhau tùy vào mặt hàng nhập khẩu (10 – 20%). Để xác định được loại thuế này bạn cần xác định được mã HS của hàng hóa cần nhập khẩu.

Đồ chơi trẻ em nhập khẩu có cần làm kiểm tra chất lượng không?

Đồ chơi trẻ em mới 100% không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu hay phải xin giấy phép nhập khẩu, tuy nhiên theo Quyết định số 3810/QĐ-BKHCN, đồ chơi trẻ em phải được đăng ký kiểm tra chất lượng và chứng nhận hợp quy khi nhập khẩu.


Tham khảo: https://tsl.com.vn/thu-tuc-nhap-khau-do-choi-tre-em/